Nguyên Tác : Bồ Tùng Linh
Dịch Giả : Nguyễn Huệ Chi
Truyện 1: Bức Họa Trên Tường
Mạch Long Ðàm, người Giang Tây, với hiếu liêm họ Chu đều là khách trọ ở kinh đô. Ngẫu nhiên cùng dạo chơi một cảnh chùa. Ðiện Phật, giải vũ, phòng tăng đều không lấy gì làm rộng rãi. Chỉ có một vì sư già trụ trì trong đó, thấy khách vào bèn xốc áo ra đón, rồi dẫn khách đi xem khắp đó đây. Trong điện có tô tượng Chí Công, hai bên tường đều vẽ vời rất tình xảo, nhân vật thảy đều như sống thật. Tường bên Ðông vễ bức" Thiên nữ rắc hoa", ở trong có một thiếu nữ buông mái tóc thề, tay cầm bông hoa, miệng hé cười, đôi môi anh đào muốn nhấp nháy, làn sóng mắt dường như đung đưa.
Chàng Chu chú mục giây lâu, bất giác như bị mất hồn, bàng hoàng thờ thẫn. Rồi thân thể bỗng nhiên phơi phới, như cưỡi trên mây mù, thoắt cái đã bay lên đến bức tường.
Nhìn thấy lầu gác trùng trùng không phải là cõi trần. Một vị sư già đang thuyết pháp ở trên tòa, những người mặc áo hở vai vây xung quanh đông vô kể.
Chu cũng đứng lẫn vào trong số đó. Một chốc, tựa như có người ngầm kéo vạt áo, quay lại thì ra cô thiếu nữ có mái tóc thề, đang vừa cười vừa quay đi. Chàng lập tức trở gót bước theo.
Qua những hành lang quanh co thì có môt căn phòng nhỏ. Chu ngập ngừng không dám tiến nữa nhưng thiếu nữ đã quay đầu lại, đưa bông hoa trong tay lên có vẫy gọi, chàng liền bước theo vào.
Trong phòng tịnh không có người, chàng vội ôm chầm lấy, nàng cũng không kháng cự gì lắm, bèn cùng nhau giao hoan thỏa thích.
Xong rồi nàng đóng cửa ra đi, dặn Chu đừng hỏi. Ðến đêm lại đến.
Cứ thế được hai hôm, các bạn gái nàng biết được, cùng nhau tìm thấy chàng, liền trêu trọc nàng rằng:
- Cậu bé trong bụng đã lớn tướng mà con để mái tóc bồng bồng, cũng học đòi làm gái còn son ư?
Rồi bảo nhau đưa cho nàng nào trâm, nào hoa tai, bắt nàng cuốn ngược tóc lên.
Cô gái thẹn thùng, không nói lời nào. Một nàng bảo:
- Chị em ơi, tụi mình đứng đây lâu, kẻo người ta mất vui.
Cả bọn liền cười và bỏ đi. Chàng nhìn lại nàng, thì tóc mây đã búi cao lên, vành tóc phượng buông thấp xuống, so với cô gái để tóc thề lúc trước lại càng xinh đẹp gấp bội.
Nhìn quanh không có ai, bàn dắt nhau bước vào cuộc ân ái.
Hương lòng rạo rực, lạc thú đang nông, thì bỗng đâu nghe tiếng ủng da cồm cộp rất dữ, dây xích và khóa kêu loảng xoảng, cộng thêm tiếng quát tháo, tiếng cãi cọ huyên náo.
Nàng kinh hoàng nhỏm dậy, cùng với chàng đều ghé mắt nhìn trộm ra ngoài, thì thấy một vị sứ giả mặc áo giáp vàng, mặt đen như sơn, tay cầm khóa, tay nắm chùy, đám thiếu nữ xúm xít xung quanh.
Sứ giả nói:
- Ðã đủ chưa?
Có tiếng đáp:
- Ðủ cả rồi.
Sứ giả lại nói:
- Nhược bằng có chứa chấp người hạ giới thì lập tức bảo nhau cùng khai ra, chớ để phải hối về sau.
Cả bọn đồng thanh đáp:
- Không có đâu!
Sứ giả quay người, đưa cặp mắt cú vọ nhìn quanh, tựa hồ tìm ra kẻ đang nấp.
Cô gái cả sợ, mặt xám như tro, thảng thốt bảo chàng:
- Mau trốn xuống gầm giường.
Rồi mở cánh cửa ngách bên tường lẻn đi mất.
Chu nằm bẹp xuống, không dám thở.
Giây lát nghe tiếng ủng đi vào trong phòng rồi lại đi ra.
Chẳng bao lâu tiếng huyên náo xa dần, bụng đã yên, nhưng ngoài cửa vẫn có tiếng người qua lại bàn bạc.
Chu cứ thấp thỏm như thế giờ lâu, đến lúc bên tai như có tiếng ve kêu, trong mắt nẩy đom đóm, tình trạng ngỡ không chịu nổi nữa, chỉ còn cố lắng tai để đợi nàng về, cuối cùng cũng không còn nhớ thân mình từ đâu mà đến đây.
Bấy giờ Mạnh Long Ðàm đang đứng trước điện thờ chớp mắt đã không thấy Chu đâu, ngờ vực hỏi Nhà Sư.
Vị sư cười đáp:
- Ði nghe thuyết pháp rồi.
Mạnh Long Ðàm hỏi:
- Ở đâu?
Nhà Sư đáp:
- Không xa.
Một chốc Nhà Sư bèn gõ ngón tay lên tường mà gọi to lên rằng:
- Ông đàn việt họ Chu, đi chơi lâu thế, sao chẳng quay về?
Liền thấy giữa bức họa trên tường có hình của Chu, đang đứng nghển cổ lắng tai, chừng như nghe ngóng.
Nhà Sư lại gọi tiếp:
- Ông bạn cùng đi đợi lâu rồi đấy.
Thế rồi Chu bồng bềnh từ trên tường bay xuống, lòng lạnh như tro, người cứng đờ như gỗ, mắt trừng trừng, chân bủn rủn.
Mạnh đâm hoảng, sẽ sàng hỏi han.
Thì ra lúc đó Chu đang núp dưới giường, bỗng nghe tiếng gõ vang như sấm, vội chui ra khỏi phòng để nghe ngóng tình hình.
Cả hai cùng ngước nhìn cô gái nhón hoa thì mái tóc vặn hình ốc đã cuốn cao lên, không còn xõa tóc nữa.
Chu khiếp sợ, vái vị sư già mà hỏi duyên cớ.
Nhà Sư cười đáp:
- Ảo là do mình sinh ra, bần đạo làm sao giải thích được!
Chu ỉu xìu mất cả khí thế.
Mạnh sợ hãi không còn tự chủ nổi, vội đứng dậy lần bậc thềm ra về.
Truyện 2: Hồ Gả Con
Có một Thiên Quan họ Ân, người Lịch Thành thuở nhỏ, nhà nghèo, thường tỏ ra gan dạ. Trong ấp có khu nhà của một cố gia, rộng vài chục mẫu, lầu viện liền nóc, thường thấy chuyện quái dị, vì thế mà bỏ hoang, không ai ở.
Lâu ngày tranh cỏ mọc um tùm, giữa ban ngày cũng không ai dám bén mảng đến.
Một hôm, Ân đang cùng các bạn học trò uống rượu, có người nói đùa:
- Ai dám ngủ trong nhà đó một đêm, chúng tôi sẽ góp tiền đãi bữa rượu.
Ân ngồi nhổm ngay dậy, nói:
- Khó gì việc ấy:
Rồi cắp một chiếc chiếu mà đi. Chúng bạn tiễn Ân đến cổng, bảo đùa rằng:
- Chúng tôi hẵng đợi ngoài này, nếu như có thấy điều gì thì kíp gọi to lên.
Ân cười đáp lại:
- Nếu có ma hãy hồ thì sẽ tóm cổ đưa về làm bằng
Nói rồi đi vào. Thấy lau sậy mọc khuất cả lối đi, các loài cỏ dại mọc rậm như gai.
Hôm đó, nhằm khoảng đầu tháng, trăng non mờ nhạt, nên cửa ngõ cũng phân biệt được.
Ân đưa tay lần vách mà đi mãi, mới đến khu lầu phía sau.
Trèo lên sân thưởng nguyệt, thấy sáng sủa, sạch sẽ, một vành trăng sáng ngậm trên đầu núi, ngồi một lúc lâu, không thấy có gì lạ, trong bụng cười thầm cho là thiên hạ đồn hão.
Rồi giải chiếu xuống đất, gối đầu lên hòn đá, nằm ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.
Canh khuya, lơ mơ muốn ngủ, Ân chợt nghe dưới lầu có tiếng giầy lẹp kẹp đi lên.
Ân vờ ngủ, ghé mắt xem, thấy một nàng áo xanh xách chiếc đèn hoa sen, thốt nhiên nhìn thấy Ân thì giật mình lùi bước, bảo với người đi sau rằng:
- Có người lạ trên này.
Người bên dưới hỏi:
- Ai vậy?
- Cô gái đáp rằng:
- Không biết.
Giây lát, một ông già bước lên, đến tận nơi nhìn kỹ, nói:
- Ðây là quan thượng thư họ Ân. Ngài đã ngủ say, ta cứ làm việc mình. Ông lớn là người không câu nệ, chắc không lấy làm lạ mà quở trách đâu.
Họ bèn đưa nhau lên, vào cả trong lầu. Các cửa lầu mở hết. Một lát nữa, kẻ đi người lại càng nhiều. Trên lầu, đèn sáng như ban ngày.
Ân khẽ cựa mình, cất tiếng ho hắng.
Ông già thấy ông đã tỉnh, bèn bước ra, quỳ xuống thưa rằng:
- Kẻ hèn mọn này có đứa con gái sắp gả chồng, đêm nay cho cháu làm lễ vu quy; không ngờ xúc phạm đến quan nhân, mong ngài lượng thứ.
Ân ngồi dậy, đỡ ông lão lên nói:
- Không biết hôm nay là ngày vui mừng của nhà ta, thật áy náy vì không có gì để mừng tặng.
Ông già đáp:
- Ðược quan nhân hạ cố, trấn áp điềm hung hiểm, là may lắm rồi. Lại xin được phiền ngài ngồi lại cùng vui, quý hóa biết chừng nào
Ân cũng mừng, nhận lời.
Vào trong lầu, nhìn xem, thấy bày biện đẹp đẽ, trang nhã.
Lúc ấy, có người đàn bà bước ra vái chào, tuổi đã ngoại bốn mươi. Ông già nói:
- Ðây là tiện nội.
Ông vái chào lại.
Bỗng nghe tiếng sênh, tiếng nhạc cất lên inh tai, có người nhà chạy vội lên thưa:
- Ðến rồi!
Ông lão chạy ra đón, Ân cũng đừng đợi.
Phút chốc, một chiếc đàn lồng bằng sa mỏng, dẫn chú rễ vào.
Chù rễ tuổi khoảng mười bảy mười tám, vẻ người sáng sủa, thanh tú.
Ông già bảo hãy chào quan khách trước.
Chàng trai đưa mắt nhìn ông.
Ông giữ chân tiếp khách dùm chủ nhà, nên nhận lễ nửa khách nửa chủ. Thứ đến là bố vợ và chàng rễ giao bái. Xong, bèn ngồi vào bàn tiệc.
Một loáng, đám người phấn sáp kéo lên như mây. Rượu thịt bày la liệt. Chén ngọc, bình vàng sáng nhoáng, chiếu rọi lên bàn ghế.
Rượu được vài tuần, ông già bảo con hầu vào mời tiểu thư ra.
Con hầu vâng lời đi vào, lúc lâu vẫn không thấy ra.
Ông lão tự mình đứng lên, vén bức màn, giục ra.
Phút chốc, một bọn hầu gái, trẻ có già có, cùng đỡ cô dâu ra.
Tiếng ngọc đeo vang lên lanh canh, mùi lan thơm sực nức.
Ông già truyền bảo nàng hãy trông lên mà chào lạy.
Lạy xong cô dâu đứng dậy, ngồi bên cạnh bà mẹ.
Ân đưa mắt liếc nhìn, thấy cô tóc phượng cài trâm thu, tai đeo ngọc minh châu, dung nhan tuyệt đẹp.
Thế rồi, rót rượu vào chén vàng, mỗi chén lớn chừng vài đấu.
Ân nghĩ:
-Vật này có thể đưa cho bạn bè làm chứng được, bèn giấu vào trong tay áo rồi vờ say, tựa xuống ghế, gục đầu mà ngủ.
Mọi người đều nói:
- Ông lớn say rồi!
Không bao lâu, nghe tiếng chú rễ có lời xin rước dâu.
Tiếng nhạc, tiếng sênh lại nổi lên, mọi người nhộn nhịp xuống lầu ra đi.
Xong xuôi, chủ nhân thu dọn bàn tiệc, thấy thiếu mất một cái chén, tìm khắp không thấy.
Có người bàn, vụng ngờ cho ông khách đang nằm ngủ.
Ông già vội gạt đi không cho nói hết, chỉ sợ Ân nghe được.
Lúc lâu nữa, trong ngoài im lặng cả, Ân mới trở dậy.
Tối mò không có đèn đuốc gì, chỉ có mùi thơm của phấn sáp và hơi rượu, như còn đầy cả bốn quanh tường.
Trông ra, hừng đông đã rạng, bèn thong thả bước ra. Sờ vào trong tay áo, cái chén vàng vẫn còn.
Ra đến cổng thì bạn bè đã đợi sẵn, họ cứ ngờ Ân đang đêm lẻn ra, gần sáng mới trở vào.
Ân đưa chén cho xem, ai cũng kinh ngạc, dò hỏi.
Ân bèn kể rõ đầu đuôi cho biết. Chúng đều nghĩ vật này thì anh học trò nghèo chẳng thể nào có, mới tin là chuyện thực.
Về sau, ông thi đỗ Tiến sĩ, nhậm chức ở Phù Khâu.
Có nhà gia thế họ Chu thết tiệc ông, sai lấy bộ chén lớn, mà mãi vẫn không thấy người hầu mang ra.
Có đứa hầu nhỏ che miệng nói thầm với chủ nhân điều gì đấy, nét mặt chủ nhân có vẻ tức giận.
Một lát sau đem bộ chén vàng ra, rót mời khách uống.
Nhìn kỹ kiểu chén cùng đường trạm trổ, không khác chút gì với thứ chén của hồ dạo nào.
Ân lấy làm lạ , Ân hỏi chén này chế tạo ở đâu. Chủ nhân đáp:
- Bộ chén này cả thảy có tám chiếc, đời ông thân tôi làm quan Khanh tại kinh, kén tìm thợ khéo chế ra, nên lấy làm vật gia bảo truyền thế, cất kỹ từ lâu. Vì được đại nhân hạ cố mới lấy ở trong hòm ra, thì chỉ còn bảy chiếc.
Ngờ đâu người nhà lấy trộm, mà dấu niêm phong mười năm vẫn như cũ, thật chẳng hiểu sao nữa.
Ân cười bảo:
- Chén vàng mọc cánh bay mất rồi, những vật báu truyền đời không nên để cho mất. Tôi có một chiếc cũng gần giống, xin đem để tặng ngài.
Tiệc xong, về dinh, ông lấy chén ra, cho người mang đến.
Chủ nhân xem kỹ, rất kinh hãi, đích thân đến tạ ơn, và hỏi nguyên do chiếc chén từ đâu mà có.
Ân bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Mới hay rằng vật ngoài nghìn dặm, hồ cũng có thể lấy được, duy chỉ không dám giữ làm của mình.
Truyện 3: Thư Sinh Họ Diệp
Miền Hoài Hương có chàng thư sinh họ Diệp, không rõ cả tên và tự. Văn chương từ phú trội nhất đương thời, nhưng đến đâu cũng lận đận, long đong khốn khổ mãi trong trường công danh.
Gặp lúc ông Ðinh Thừa Hạc, người Ðông Quan, đến làm quan ở ấp ấy, xem văn chương của chàng, cho là kỳ tài, bèn mời đến đàm đạo.
Ông rất bằng lòng, cho chàng đến ở trong dinh thự, cơm nước đèn sách, cấp cho đầy đủ, thỉnh thoảng lại gửi tiền thóc về giúp đỡ gia quyến nữa.
Ðến kỳ sơ thí, ông hết sức tán dương văn tài của chàng trước mặt quan học sử, rồi đó chàng đỗ đầu hàng xứ.
Ông trông mong vào chàng rất tha thiết; sau khi vào trường thi Hương, cho lấy văn của chàng để xem và đọc vừa gõ bàn đánh nhịp, ngợi khen không ngớt.
Ngờ đâu thời vận neo người, văn chương ghen mệnh, bảng đã treo, lại hỏng tuột.
Chàng trở về, choáng váng tê mê, trong lòng lại thẹn là mình đã phụ người tri kỷ, thân hình gầy ruộc như bộ xương còn đứng, người ngây ra như khúc gỗ.
Ông nghe tin, cho mời đến an ủi.
Chàng rơi lụy dầm dề.
Ông rất thương tình, hẹn đến khi nào mãn kỳ khảo tích về kinh thì đem chàng cùng đi.
Chàng rất cảm kích cáo từ ra về , từ đấy đóng cửa không đi đâu nữa.
Chẳng bao lâu chàng lâm bệnh, ông luôn luôn hỏi thăm và đưa quà, nhưng thuốc uống đã trăm thang mà vẫn không công hiệu. Vừa lúc ấy ông lại có điều xúc phạm đến quan trên, bị cất chức, sắp về nhà, viết thư cho chàng, đại lược nói rằng: "Tôi nay mai về Ðông, mà sở dĩ còn chần chừ chưa đi ngay, là chỉ vì muốn chờ túc hạ đi đó thôi. Túc hạ đến buổi sáng, thì buổi chiều là tôi khởi hành..."
Thư đưa đến bên giường nằm, chàng cầm xem khóc sụt sùi, rồi nhắn sứ giả về nói là đang bị bệnh nặng, khó bình phục ngay được, xin cứ đi trước.
Sứ giả về bẩm, ông không nỡ đi, ráng ở lại chờ.
Qua mấy hôm, người canh cổng báo có chàng họ Diệp đến, ông mừng quá, ra đón mà hỏi han.
Chàng nói:
- Vì cái bệnh của thân hèn để đại nhân phải chờ đợi lâu, lòng này thật áy náy không yên. Nay, may đã có thể ráng theo kịp dấu giày chân ngựa.
Ông bèn gói buộc hành trang lại, để dậy sớm ra đi.
Chẳng mấy ngày đã về đến làng, ông cho con thụ giáo với chàng, đêm ngày ở liền bên cạnh.
Cậu con tên là Tái Xương lúc bấy giờ mới mười sáu tuổi, chưa biết làm văn chương nhưng thông minh lắm, phàm văn bài cử nghiệp, xem qua hai ba lần thì không quên nữa. ở được một năm, cậu đã hạ bút thành văn, nhờ có thêm thế lực của ông, bèn được nhận vào nhà học của huyện.
Chàng bàn chép lại những bài văn cử nghiệp đã làm lúc bình thời đem hết cho công tử học.
Vào trường thi, bảy đầu đề không sai đề nào, công tử liền đậu á khôi.
Một hôm ông bảo chàng rằng:
- Túc hạ chỉ vứt ra một mối tơ thừa mà cũng đủ làm cho thằng trẻ nên đanh, nhưng còn quả chuông vàng kia cứ bị bỏ rơi mãi thì làm thế nào?
Chàng nói:
- Ðiều đó e rằng có mệnh. Tôi mượn cái phúc trạch của đại nhân để hà hơi cho văn chương, khiến người thiên hạ biết rằng nửa đời luân lạc không phải vì kém tài đánh trận, như thế là thỏa nguyện rồi. Vả chăng kẻ sĩ mà được một người biết, đã đủ không ân hận nữa, cần gì phải đỗ đạt mới đắc chí?
Ông thấy chàng xa nhà đã lâu, sợ nhỡ mất kỳ sát hạch năm, khuyên chàng nên về thăm nhà. Chàng rầu rĩ không vui. Ông cũng không nỡ ép, bèn dặn công tử khi đến kinh đô thì nạp thóc hộ chàng, công tử lại giật giải Nam Cung được bổ chức Chủ sự trong bộ, đem chàng vào Giám sớm tối gần nhau.
Qua một năm, chàng vào trường thi Hương ở kinh, đỗ Cử nhân.
Vừa lúc ông được bổ đi coi thi ở Hà Nam bàn nhân tiện nói với chàng rằng:
- Chuyến đi này không xa quê hương tiên sinh là mấy. Nay hãy nhẹ bước đường mây, tiên sinh cũng nên một phen về làng cho được khoái chí.
Chàng cũng mừng. Rồi chọn ngày tốt lên đường.
Ðến địa giới Hoài Dương, công tử cho người và ngựa đưa chàng về.
Ðến nhà thấy cổng ngõ tiêu điều, chàng chạnh lòng buồn bã lững thững đi vào sân.
Người vợ cầm nong nia đi ra, thấy chàng thì vứt xuống sợ hãi bỏ chạy.
Chàng rẫu rĩ mà nói:
- Ta bây giờ đã nên danh phận rồi. Mới ba bốn năm không thấy mặt, sao bông như không quen biết nhau vậy?
Người vợ đứng xa mà bảo rằng:
- Chàng chết đã lâu, còn nói nên danh nên phận gì nữa?
Sở dĩ còn để mãi linh cữu trong nhà, là vì nhà nghèo con bé đó mà thôi! Nay thằng cả đã khôn lớn, cũng đang tìm một ngôi đất để đưa chàng ra. Chớ nên hiện về làm gở để quấy người sống.
Chàng nghe nói thì bùi ngùi rũ rượi, bàn lững thững đi vào trong nhà, thấy linh cữu rành rành, liền ngã ra giữa đất mà biến mất.
Người vợ kinh hãi nhìn xuống thấy áo mũ giày tất bỏ đấy, như cái xác lột. Nàng mũi lòng quá, ôm xống áo khóc lóc. Người con đi học về, thấy một cỗ xe ngựa buộc ở trước thì dò hỏi xem ở đâu đến, rồi kinh hãi chạy về báo với mẹ.
Mẹ gạt nước mắt kể lại chuyện vừa xảy ra. Lại hỏi kỹ những người theo hầu mới biết rõ đầu đuôi.
Người theo hầu trở về, công tử nghe tin nước mắt rơi ướt cả ngực, lập tức lên xe, đến tận nhà mà khóc, rồi bỏ tiền lo liệu việc tang, chôn cất theo lệ hiếu liêm.
Lại chu cấp rất hậu cho đứa con, mời thầy về dạy và gửi gắm cho quan học sứ, hơn một năm sau được vào nhà học phán.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét