Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Truyện Kinh Dị - Ma - Liêu Trai Chí Dị - P10

Truyện 28: Ðại Nam

Hạ Thành Liệt là một sĩ nhân ở Thành Ðô. Có một vợ và một thiếp.

Người thiếp họ Hà, tiểu tự là Chiêu Dung.


Người vợ chết sớm, bèn lấy vợ kế họ Thân, tính đố kỵ nhau, ngược đãi .

Người thiếp họ Hà sinh được một con trai đặt tên là Ðại Nam.

Hạ lâu nay không trở về, Thân gạt Hà ra, không thổi cơm chung, cứ ngày ngày đong phần thóc cấp cho.

Ðại Nam lớn dần, thóc ăn không đủ nữa.

Hà phải dệt vải để phụ vào phần ăn, không dám xin thêm.

Ðại Nam thấy ở trường học, trẻ con ngâm nga đọc sách, cũng muốn đi học.

Mẹ cho là hãy còn bé quá, nhưng cũng dắt đắn trường cho học thử, để con chán phải bỏ.

Ðại Nam sáng dạ, sức học gấp đôi các trẻ khác.

Thầy làm lạ, tình nguyện không đòi tiền học.

Hà bèn cho con theo học thầy, biếu lễ chút đỉnh.

Ðược hai, ba năm đã học thông kinh sách. Một hôm, đi học về nói với mẹ rằng:
- Trong trường có năm sáu đứa đeo lấy cha xin tiền mua quà bánh, sao con lại không có cha?
Mẹ nói:
- Chờ lúc nào con lớn lên, mẹ sẽ cho con biết.
Ðại Nam hỏi:
- Con nay đã bảy, tám tuổi, bao giờ mới là lớn?
Mẹ bảo:
- Con đến trường đi qua miếu đức quan Thánh thì nên vào lạy, ngài sẽ phù hộ cho chóng lớn.
Ðại Nam tin lắm, ngày hai buổi đi qua đều vào lạy.

Mẹ biết thế, hỏi:
- Con khấn điều gì?
Cười đáp:
- Chỉ xin sang năm ngài cho con lớn bằng đứa mười lăm, mười sáu tuổi.
Mẹ cười.

Song Ðại Nam sức học và hình vóc đều lớn như nhau, mới mười tuổi mà như mười ba mười bốn tuổi; những văn bài cậu làm, bài nào văn chương cũng trôi chảy.

Một hôm, nói với mẹ rằng:
- Trước kia mẹ nói, con lớn lên mẹ sẽ cho biết cha ở đâu, bây giờ đã đến lúc rồi đấy!
Mẹ bảo:
- Chưa đâu, chưa đâu!
Lại hơn một năm nữa, đã như người lớn hẳn hoi, càng gạn hỏi luôn luôn.

Mẹ bèn thuật lại ngành ngọn.

Ðại Nam nghe nói, thương cảm khôn xiết, muốn đi tìm cha.

Mẹ nói:
- Con hãy còn non trẻ quá, cha còn hay mất chưa biết, làm sao tìm được ngay?
Ðại Nam không nói gì mà bỏ đi, đến giữa trưa không về, bàn đến hỏi ở trường, thì thầy nói sau giờ cơm sớm chưa trở lại trường.

Mẹ cả kinh cho là Ðại Nam bỏ học, bỏ tiền ăn ra thuê người đi tìm kiếm khắp nơi mà không có tung tích gì.
Ðại Nam ra khỏi cửa, mù mờ chẳng biết nên đi đâu, cứ thẳng đường mà đi miết.

Gặp một người đang định đi Quỳ Châu, nói mình họ Tiển. Ðại Nam ăn xin và đi theo.

Tiển bực đi chậm quá, thuê cho một con lừa, tiền lưng cạn hết.

Ðến Quỳ, cùng nhau ngồi ăn, Tiển lén bỏ thuốc vào thức ăn, Ðại Nam mê man bất tỉnh.

Tiển chở đến một ngôi chùa lớn, giả thác là con mình, không may bị ốm giữa đường, hết tiền ăn, muốn đem bán cho nhà chùa.

Tăng đồ thấy mặt mũi khôi ngô khác thường, tranh nhau mua.

Họ Tiển lấy được vàng rồi ra đi.

Tăng chúng đổ thuốc cho Ðại Nam, dần dần tỉnh.

Sư cụ trụ trì biết tin đến xem, thấy tướng mạo rất lạ, gạn hỏi ngọn ngành, lại càng thương, bảo các tăng giúp tiền bạc rồi cho đi.
Có thư sinh họ Tưởng ở Lô Châu, đi thi trượt trở về, trên đường gặp hỏi biết duyên cớ, khen là hiếu, kết làm bạn đồng hành.

Ðến Lô Châu, cho ở trong nhà mình hơn một tháng, gặp ai cũng hỏi.

Có người mách rằng trong đám thương nhân đi Mân có người họ Hạ, bèn từ biệt họ Tường để đi Mân.

Tưởng giúp cho áo quần giày dép, xóm làng cũng góp nhau giúp tiền ăn.

Trên đường gặp hai khách buôn vải đi Phúc Thanh, mời cùng kết bạn đường.

Ðược vài ngày, khách dòm được tiền trong đãy của Ðại Nam, bàn đem đến chỗ vắng, trói tay trói chân, cướp hết mà đi.

Vừa có ông cụ họ Trần người Vĩnh Phúc đi qua đấy, cởi trói, dìu lên xe, chở về nhà mình.

Ông cụ là một nhà cự phú, thương nhân các trấn phần lớn đều từ cửa nhà cụ mà ra.

Cụ dặn các khách buôn Nam Bắc hỏi dùm tin tức của Hạ, và giữ Ðại Nam ở lại làm bạn đọc sách với các con mình. Ðại Nam bèn ở lại, không đi đây đi đó nữa, từ đó nhà càng xa, tin tức càng nghẽn.
Hà Chiêu Dung sống cô quạnh ba bốn năm, Thân thị xén bớt phần ăn, đè nén đũ điều, bắt phải tái giá.

Hà tự làm lấy mà ăn, chí không lung lay.

Thân ép bán cho một lái buôn Trùng Khánh.

Lái buôn bắt cóc đem đi.

Ðến đêm, Hà lấy dao cứa cổ.

Lái buôn không dám bức, chờ cho vết thương lành lặn, đem bán lại cho một khách buôn ở Diêm Ðình.

Ðến Diêm Ðình, Hà tự xẻ lồng ngực, lộ rõ phủ tạng.

Người khách buôn hốt quá, lấy thuốc ra buộc vết thương; khỏi rồi, chỉ muốn làm vãi.

Người khách buôn nói :
- Tôi có người bạn buôn, không có bộ phận của đàn ông, chỉ muốn tìm người may vá trong nhà, ở với người ấy cũng không khác gì làm bà vãi, mà lại cũng có thể bù lại chút vốn tôi bỏ ra.
Hà nghe theo.

Người khách buôn cho xe đưa đi.

Ðến cửa, chủ nhân chạy ra, thì là chàng Hạ.

Số là Hạ đã bỏ nghiệp nho mà đi buôn.

Người bạn buôn thấy không có vợ bèn đem Hà thị tặng cho. G

ặp nhau kinh ngạc, buồn thương, kể lại những nỗi khổ sở.

Hạ mới biết là mình đã có con, đi tìm cha chưa về.

Hạ bàn dặn các quán trọ, dò hỏi tin tức Ðại Nam, mà Chiêu Dung tự phận thiếp nay trở thành chính thất.

Nhưng trải qua nhiẳu bước gian truân, yếu đau lắm bệnh, không thể gánh vác được mọi việc, bèn khuyên chồng lấy vợ lẽ, Hạ trông gương tai hoạ lúc trước, không chịu nghe theo. Hà nói:
- Nếu thiếp là kẻ tranh giành ngôi thứ ở nơi giường chiếu, thì trong mấy năm nay đã theo người ta mà đẻ con rồi, có còn được đoàn tụ với nhau như ngày nay nữa đâu! Vả chăng cái ách mà người ta đặt lên cổ mình, còn đau đớn âm ỷ ở trong lòng, lẽ nào tới phiên mình mình lại đem đặt lên cổ người khác!
Hạ bèn dặn bạn khách buôn mua cho một cô người thiếp già, tuổi hơn ba mươi.

Qua nửa năm, khách quả mua được thiếp đem về.

Khi vào cửa, thì lại chính là người vợ họ Thân.

Người nào người nấy nhìn nhau lạ lùng, kinh hãi.

Trước đó, Thân thị ở một mình được một năm, người anh tên là Bao khuyên tái giá.

Thân nghe theo, duy ruộng nương thì bị con cháu trong họ ngăn không cho bán.

Chỉ bán các vật sở hữu, tích cóp được mấy trăm đồng vàng, đem về nhà anh.

Có người lái buôn ở Bảo Ninh, nghe nói thị giàu, có cả một hòm tư trang, bèn lót nhiều tiền cho Bao để lừa phỉnh thị mà cưới làm vợ.

Nhưng người lái buôn thì già khụ và tàn phế, chẳng còn sức làm đàn ông nữa.

Thân oán giận anh mình, không yên phận làm vợ, hết doạ thắt cổ trên giường, lại đe gieo mình xuống giếng, quấy nhiễu không chịu nổi.

Lái buôn giận, lục soát tiền bạc lấy hết, định đem bán làm thiếp, nhưng ai cũng chê đã lỡ thì rồi.

Lái buôn ta đi Quỳ Châu, đem thị đi cùng, gặp người khách buôn cùng một cửa hiệu với Hạ, vừa may lại trúng ý định, bèn mua mà mang đi.

Ðến khi gặp Hạ thì vừa thẹn, vừa sợ, nói không ra một tiếng.

Hạ hỏi lại người khách buôn cùng cửa hiệu cũng biết đại khái, bàn nói :
- Nếu gặp người đàn ông khoẻ mạnh, thì đã ở lại Bảo Ninh, đâu có gặp nhau ở đây nữa! Âu cũng là số cả! Nhưng nay ta mua thiếp chứ không phải cưới vợ, vì thế, trước hết hãy vào lạy Chiêu Dung để đúng lễ vợ cả vợ bé đã!
Thân lấy làm xấu hổ, Hạ nói:
- Xưa kia còn làm vợ cả thì như thế nào?
Hà khuyên nên miễn cho thị, nhưng Hạ không chịu, cầm gậy đứng trước mặt cưỡng ép.

Thân bất đắc dĩ cũng phải lạy, nhưng trước sau vẫn không chịu hầu hạ, chỉ làm lụng ở phòng khác.

Hà đều khoan dung cho hết, cũng chẳng nỡ xét nét siêng năng hay lười biếng.

Mỗi khi chuyện trò yến ẩm cùng Chiêu Dung, Hạ cứ gọi Thân thị đến hầu hạ bên cạnh.

Hà muốn thay thế bằng một con hầu, Hạ không nghe.

Gặp lúc quan huyện lệnh họ Trần tên Tự Tông, đến nhậm chức ở Diêm Ðịnh.

Hạ có việc tranh chấp nhỏ với người làng, họ bèn kiện Hạ tội cưỡng bức vợ cả làm vợ lẽ.

Trần Công không xét, quát mắng đuổi ra.

Hạ mừng lắm, nói riêng với Hà, ca ngợi ông huyện nhân đức.
Một đêm, canh đã khuya, tiểu đồng gõ cửa vào báo quan huyện lệnh đến.

Hạ hốt quá, vội vàng mặc áo xỏ giày, thì quan đã vào nhà trong, lại càng hoảng, không biết làm thế nào.

Hà nhìn kỹ, vội vàng đi ra, nói rằng: Con ta đây mà! Rồi khóc lên.

Trần Công bàn sụp xuống đất, nức nở nghẹn ngào.

Số là Ðại Nam từ khi theo họ của cụ Trần đến nay đã nên quan.

Lúc ông mới từ kinh đô chuyển đến, có vòng đường đi qua cố hương, mới biết hai mẹ đều đã cải giá, gục đầu thương cảm.

Người trong họ biết Ðại Nam đã là quan sang, đem nhà ruộng trả lại cả.

Ông cho đầy tớ ở lại để sửa sang, xây cất, mong có ngày cha lại trở về.

Rồi được bổ nhiệm ở Diêm Ðình, lại muốn bỏ quan để tìm cha.

Cụ Trần ra sức khuyên can. Vừa gặp lúc có người thầy bói bàn xin một quẻ.

Thầy bói nói:
- Nhỏ thành lớn, thiếu thành trưởng, tìm trống được mái, tìm một được hai; quẻ này đi làm quan thì tốt.
Trần Công bàn đi nhậm chức.

Vì không tìm được hai thân, nên làm quan mà không dám ăn mặn, uống rượu.

Ngày hôm ấy, nhận được đơn kiện của người làng, thấy nói đến họ Hạ, có ý ngờ, lén sai người tâm phúc đi hỏi han, quả đúng là cha, bèn thừa lúc đêm tối, đi ra theo kiệu 'vi hành'; gặp lại mẹ chàng tin thầy bói là thần kỳ.

Khi trở về, dặn chớ tiết lộ, đưa hai trăm đồng vàng, bảo bố sửa soạn hành trang trở về làng cũ.

Bố tìm đến nơi thì nhà cửa mới mẻ, nuôi thêm hai người hầu ngựa cưỡi, nghiễm nhiên là một đại gia .
Thân thị thấy Ðại Nam giàu sang thịnh vượng thì lại càng hổ thẹn.

Người anh là Bao nghe tin, đâm đơn lên quan, muốn giành lại ngôi vợ cả cho em mình.

Quan điều tra được thực tình. Giận nói:
- Ðã tham của, khuyên em tái giá hai lần đổi chồng, còn mặt mũi nào mà tranh giành cả lẽ như ngày xưa?
Bàn truyền đem Bao ra đánh roi rất nặng.
Từ đó, danh phận rõ ràng, Thân cam phận bé mọn thờ Hà như chị, thì Hà cũng lấy nghĩa mợ cả đối xử với Thân như em, quần áo, ăn uống không một thức gì tranh phần dùng riêng.

Trước kia, Thân vẫn sợ Hà phục thù, đến đây lại càng thẹn thùng, hối hận.

Hạ cũng quên điều ác ngày xưa của thị, cho phép người nhà gọi bằng thái mẫu, chỉ có phong tặng là không được mà thôi.


Truyện 29: Thư Sinh Họ Ðổng

Thư sinh họ Ðổng, tên tự là Hà Tư, người ở ấp Tây đất Thanh Châu.

Vào tháng đông, trời gần tối, trải chăn ra giường và đốt mẻ than dưới gầm.

Ðang định thắp đèn lồng thì vừa có người bạn mời đi uống rượu, bèn đóng cửa mà đi.
Ðến chỗ bạn, thấy trong bàn tiệc có một thầy lang sành xem mạch thái tố, chẩn mạch cho khắp mọi người.

Sau cùng, nhìn đến thư sinh Vương Cửu Tư và chàng Ðổng, ông thầy nói:
- Tôi xem cho người đã nhiều, chưa thấy ai có mạch lạ như hai ông; mạch thì sang mà có điểm hàn, mạch thọ mà có điểm yếu. Thật bỉ nhân chẳng dám hiểu ra sao nữa.

Mà riêng ông Ðổng lại càng lạ lắm.
Mọi người cùng kinh ngạc nhao lên hỏi.

Ông lang đáp:
- Thuật của tôi chỉ biết đến đấy là cùng rồi, không dám đoán liều nữa. Chỉ xin hai ông tự mình cẩn trọng mà thôi.
Hai người mới nghe sợ lắm, sau rồi cùng nghĩ là câu nói nước đôi mơ hồ, nên bỏ qua chẳng để tâm nữa.
Nửa đêm, Ðổng ra về, thấy cửa nhà học khép hờ, ngờ quá.

Trong cơn say, cố nhớ lại, tất là khi đi vội vã, quên khoá cửa.

Vào phòng, chưa kịp đốt đàn lên, hãy đưa tay sờ vào trong chăn trước xem có ấm hay không.

Vừa mới thọc tay vào, đụng ngay da thịt mịn màng của ai đang nằm sẵn, kinh ngạc hết sức, vội rụt tay lại.

Ðốt gấp đèn lên, thì ra một cô em tuyệt mỹ, mặt sáng sủa, tuổi còn non, không khác gì thần tiên.

Mừng cuống cuồng, đùa bỡn, đưa tay xuống phần dưới cơ thể, thì xù xì một nắm lông đuôi.

Hốt hoảng quá định chạy, thì cô gái đã tỉnh dậy, đưa tay ra nắm lấy cánh tay hỏi:
- Chàng định đi đâu?
Ðổng càng sợ, người run lên, năn nỉ xin người tiên tha cho.

Cô gái cười, nói:
- Thấy cái gì mà cho người ta là tiên?
Ðổng đáp:
- Tôi chẳng sợ phần đầu mà sợ phần đuôi.
Cô gái lại cười bảo:
- Ðuôi đâu mà đuôi? Anh lầm rồi.
Ðoạn cầm tay Ðổng kéo vào cho sờ lại, thì thịt ở đùi mềm mại như mỡ, chỗ xương cụt nhẵn thín.
Cô gái cười nói:
- Thế nào? Rượu say mê mẩn, chẳng biết thấy gì đâu đâu mà lại vu cho người ta như vậy?
Ðổng vốn thấy người đẹp đã thích rồi, nay hết sợ lại càng mê mẩn, nghĩ lại tự trách mình là lầm.

Nhưng vẫn còn điều nghi ngờ, không hiểu nàng vì sao mà đến.

Nàng đáp:
- Anh không nhớ cô bé tóc vàng nhà hàng xóm phía Ðông sao?

Bấm đốt ngón tay, từ lúc dời đi nơi khác, đến nay đã được mười năm rồi.

Lúc ấy tôi chưa cài trâm, mà anh cũng còn để tóc trái đào cơ đấy.
Ðổng chợt nhớ ra, hỏi:
- Thế em là cô Toả nhà họ Chu đấy ư?
Nàng đáp:
- Phải đấy.
Ðổng nói:
- Bây giờ em nói, anh mới mang máng nhớ lại. Mười năm không gặp, thế mà đã thành người yểu điệu thế này rồi đấy! Nhưng sao mà lại đến được đây?
Cô gái nói:
- Thiếp lấy phải thằng chồng đần, được đâu bốn, năm năm, cha mẹ chồng theo nhau qua đời, lại chẳng may chồng cũng vừa mới mất, còn lại một mình thiếp, bơ vơ không nơi nương tựa. Nhớ lại người quen biết thuở nhỏ chỉ còn có mình chàng, nên cố gượng tìm đến gặp. Vừa tới cổng thì trời tối, xảy lại có người đến mời chàng đi uống rượu, bèn lén nấp để đợi chàng về.

Ðợi đã lâu, chân lạnh cóng, nổi cả da gà lên, nên phải nhờ cái chăn cho ấm người lên một chút, xin chớ ngờ nhau.
Ðổng mừng, cởi áo cùng ngủ, lấy làm đắc ý
Ðược hơn một tháng, người gầy rộc hẳn đi.

Người nhà lấy làm lạ, thì nói là cũng không biết tại sao.

Càng lâu mặt mũi càng gầy võ.

Mới đâm hoảng, vội đi tìm ông thầy chẩn mạch giỏi hồi trước, nhờ chẩn cho.

Thầy lang đáp:
- Ðây là mạch bị yêu quái ám rồi. Cái điềm chết ngày trước, nay quả đã nghiệm. Bệnh không thể làm gì được nữa.
Ðổng khóc hu hu không chịu đi.

Thầy lang bất đắc dĩ phải châm cho ở tay, đốt ngải cứu cho ở rốn, rồi đem thuốc tặng cho, dặn rằng:
- Nếu có gặp ai đấy thì phải gắng mà dứt đi.
Ðổng cũng tự biết nguy hiểm. Về đến thư trai, cô gái cười cợt đứng đón.

Chàng tức mình nói:
- Ðừng dan díu với nhau nữa.

Tôi sắp chết rồi đây.
Nói rồi bước đi không ngoái lại.

Cô gái xấu hổ quá, cũng tức lên mà nói:
- Mày còn muốn sống nữa ư?
Ðến đêm, Ðổng uống thuốc rồi ngủ một mình.

Vừa mới chợp mắt, đã thấy giao hợp cùng cô gái, tỉnh dậy thì tinh đã xuất ra rồi.

Càng sợ, bèn dời giường vào nhà trong, vợ con đốt đèn canh giữ.

Nhưng vẫn mơ thấy như cũ.

Lén nhòm cô gái thì không thấy đâu nữa.

Ðược mấy hôm, Ðổng thổ ra hơn một đấu huyết mà chết.


Vương Cửu Tư đang ở trong phòng học, thấy một cô gái tìm đến, mê thích vì sắc đẹp nên ăn nằm cùng nàng.

Hỏi ở đâu đến thì đáp:
- Thiếp là láng giềng nhà Hà Tư.

Anh ấy trước thân thiắt với thiếp lắm, không ngờ bị hồ mê hoặc mà chết.

Cái giống yêu quái ấy thật đáng sợ. Phàm người đã đọc đến sách vở, phải nên cẩn thận đề phòng.
Vương càng phục, bèn ân ái vui vầy với nhau.

Ðược vài hôm, đâm mê hoảng, gầy ốm.

Chợt mộng thấy Ðổng về bảo:
- Kẻ đang cùng anh mặn nồng là hồ đấy. Giết hại tôi rồi, nó lại còn muốn giết hại cả bạn tôi nữa. Tôi đã kiện nó ở dưới Âm ty, để rửa mối hờn. Trong vòng bảy hôm, cứ đêm đêm anh nên thắp hương ở bên ngoài phòng ngủ nhà mình đừng có quên.
Tỉnh dậy, lấy làm lạ, nói với cô gái:
- Tôi ốm lắm, e sắp bỏ thân nơi ngòi rãnh đến nơi, có người khuyên nên kiêng chuyện chung chạ.
Cô gái đáp:
- Mệnh đáng thọ, dẫu gần đàn bà vẫn sống, mệnh không thọ thì không gần đàn bà vẫn chết.
Lại ngồi kề bên mà cười đùa.

Vương kìm lòng không đậu lại cùng nàng mây mưa.

Xong rồi thì hối, nhưng vẫn không sao dứt hẳn được.
Ðến tối, cắm hương ở trên cửa.

Cô gái đến, nhổ vứt đi.

Ðêm lại mộng thấy Ðổng về, trách sao làm trái lời dặn.

Ðêm hôm sau, ngầm dặn người nhà chờ lúc mình với ả ngủ rồi hãy lén đốt hương lên.

Cô gái đang ở trên giường bỗng hoảng hốt nói:
- Lại đốt hương nữa đấy à?
Vương đáp:
- Không biết.
Nàng vội trở dậy tìm thấy hương bẻ dụi tắt đi, rồi trở vào nói:
- Ai xúi anh làm như vậy?
Vương đáp:
- Có thể là đàn bà con gái trong nhà lo tôi đau ốm, tin lời thầy bói, thắp hương để trừ tà đấy thôi.
Cô gái bối rối không vui. Người nhà lén dòm thấy hương tắt, lại đốt nén khác.

Cô gái chợt thở dài, bảo:
- Phúc trạch nhà anh còn dầy thật. Tôi đã lầm lỡ giết Hà Tư rồi lại chạy đến với anh, thật đúng là lỗi của tôi.

Tôi sắp phải cùng anh ta đến đối chất trước toà án Âm ty.

Nếu anh không quên chút tình cũ, xin chớ làm hỏng mất cái túi da của tôi.
Nói xong, rụt rè bước xuống giường, ngã lăn ra đất mà chết.

Ðốt lửa soi, đã thành một con chồn.

Còn sợ nó sống lại, vội gọi người nhà lột da, treo lên.
Bệnh Vương rất nặng, thấy hồ hiện về nói:
- Tôi đã kêu oan ở pháp toà. Pháp toà bảo chàng Ðổng thấy gái mà mê, chết là đáng tội.

Nhưng cũng buộc tội tôi mê hoặc người không đúng, thu mất viên kim đan, rồi lại cho sống lại.

Vậy bộ da của tôi ở đâu ?
Ðáp:
- Người nhà không biết đã đem lột mất rồi.
Hồ thảm đạm nói rằng:
- Ta giết người đã nhiều, nay chết kể cũng đã muộn. Nhưng anh thật nhẫn tâm thay!
Hờn giận mà bỏ đi

Vương ốm tưởng nguy, nửa năm mới khỏi.


Truyện 30: Vợ thi hộ chồng

Thuận Thiên Mỗ Sinh , nhà nghèo , gặp phải năm đói kém theo cha đi đất Lạc kiếm ăn . Tánh chàng rất độn , mãi 17 tuổi mới viết chữ thành hàng lối , nhhưng được bộ mặt lịch sự trai , khéo pha trò , tài nghề viết thư từ , cho nên ai cũng tưởng là chàng học giỏi lắm , nhhưng không dè bên trong rỗng tuếch .

Không bao lâu , cha mẹ kế tiếp qua đời , chàng trơ trọi một mình , phải làm nghề gõ đầu trẻ ỡ Lạc , để kiếm ăn độ nhựt .

Lúc đó trong xóm có người con gái mồ côi , họ Nhan , dòng dõi một nhà học giỏi . Khi người cha còn , thường dạy nàng học , chỉ đọc qua một lượt là nhớ nằm lòng . Ngoài mười tuổi , học làm thơ , người cha nói :

- Nhà ta có nữ học sĩ , tiếc không được đội mũ thôi .

Vì thế ông rất mực yêu quí , chỉ mong kén được một người chồng quý hiển cho con . Sau lúc ông qua đời , bà mẹ nàng vẫn ôm cái chí lớn đó . Nhưng đeo đuổi ba năm cũng chẳng toại nguyện , kế bà ấy cũng mất . Có người khuyên nàng lấy chồng học trò , nàng cũng đồng ý , nhưng cũng chưa kén được ai .

Vừa lúc mụ hàng xóm leo tường qua , nói chuyện với nàng , trong tay cầm một giấy viết chữ gói chỉ thêu , nàng mỡ ra xem , thì là chữ của Mỗ Sinh viết gởi bạn ở lối xóm . Nàng xem đi xem lại , khen ngợi chữ tốt . Mụ nọ dòm biết ý tứ , nói nhỏ :

-  Ấy là một chàng đẹp trai , cũng mồ côi như cô , tuổi ngang như cô, nếu cô bằng lòng thì tôi mách chàng cậy mối đến là xong .

Nàng lẳng lặng không nói chi .

Mụ nọ về ngỏ ý với chồng . Người bạn lối xóm vốn chơi thân với chàng , đem chuyện ấy nói , chàng bằng lòng lắm , nhân có chiếc vòng vàng của mẹ để lại , bèn cậy người đem đến làm lễ vấn danh và xin cưới liền .

Vợ chồng như cá nước duyên ưa , hết sức vui vẽ . Ðến bửa được thấy văn bài chồng làm , nàng phì cười và nói :

- Văn với minh dường như hai người , thế này biết đời kiếp nào thi đổ ?

Từ đó sớm hôm khuyên đốc chàng học , nghiêm khắc như thầy đối với học trò . Tối đến , nàng chăm đèn ngồi , tự cất tiếng học ê a , học trước để làm gương cho chồng ; học mãi đến canh ba mới nghĩ .

Như vậy được hơn một năm , văn chương thi cử của chàng đã hơi thông , nhưng đi thi khoa nào cũng rớt . Thân danh lận đận , sinh sống lại nghèo , tự nghĩ tình cảnh buồn tênh , bất giác hu hu khóc lóc .

Nàng phát cáu , mắng nhiếc to tiếng :

- Trời để cho mình làm đàn ông thật uổng . Nếu để cho tôi bỏ khăn yếm , thay đổi làm con trai , thì tôi coi sự thi đổ dễ như trò chơi vậy .

Chàng đang buồn rầu héo gan héo ruột , nghe vợ nói khoác như vậy , quắc mắt giận nói :

- Mình là đàn bà , chưa được bước chân đến chổ thi cử bao giờ , mới tưởng công danh phú quí như chuyện xuống bếp múc nước hay nấu cháo vậy . Nếu cho mình được làm đàn ông thì rồi cũng lận đận rớt lên rớt xuống như ai , chứ tài giỏi gì ?

Nàng cười :

- Mình đừng nên giận , tôi nói thiệt đó . Ðến khoa thi này , tôi sẽ cải trang mà đội tên mình vô trường thi , nếu quả thật tôi cũng lận đận rớt lên rớt xuống như mình thì xin khoét mắt không dám coi rẻ thiên hạ nữa .

Chàng cũng cười và nói :

- Khanh chưa biết nổi cay đắng bên trong ra sao , nên muốn nếm thử . Ðã muốn vậy thì cứ làm , nhưng tôi chỉ sợ chân tướng lộ ra bị làng xóm cười chê mà thôi .

Nàng trả lời :

- Tôi nhất định làm thiệt không phải giả bộ đâu . Còn nhớ thường ngày mình nói tổ tiên có nếp nhà cũ ở đất Yên , vậy tôi xin cải trang làm con trai đi theo mình về ở đó , giả làm em mình , làng xóm biết đấy là đâu .

Chàng nghe theo . Nàng liền vô buồng bịt khăn mặc áo nam tử đi ra hỏi chồng :

- Mình xem tôi có làm con trai được không nào ?

Chàng nhìn vợ quả thật là một thiếu niên đẹp trai , trong lòng mừng rỡ , lập tức đi chào lới xóm để về cố hương . Những người chơi thân đều có quà tặng , mua một con ngựa đở chân , cùng vợ lên đường .

Người anh con nhà bác của chàng còn sống thấy hai em về , cùng trẻ đẹp , hết sức vui mừng sớm hôm chăm nom giúp đở . Lại thấy hai em thức khuya dậy sớm chăm chỉ học hành , lòng thêm yêu quí , thuê một thằng bé để hầu hạ riêng . Nhưng buổi tối , chàng đuổi thằng bé về .

Mỗi khi trong làng có đám cưới đám giổ gì mời thĩnh , duy có anh (anh đây tức là chàng) ra mặt , còn em chỉ ngồi học trong buồng , đến nổi về làng đã nữa năm mà ít người được trông thấy mặt .

Có người nào ân cần xin cho giáp mặt thì anh từ chối hộ . Người ta xem văn bài của em hay quá , lấy làm kinh hải . Có kẻ xông vào tận nơi thì em chỉ cái chào qua loa , rồi ẩn mặt ngay .

Những người được thấy dung nhan , đều hâm mộ tán dương , vì thế tiếng tăm vang dậy , mấy nhà quyền quí tranh nhau , muốn gã con gái cho . Người anh con bác đem chuyện ấy bàn tính , em chỉ nhoẻn cười , cố nài ép thì nói :

- Thề lập chí trèo lên mây xanh , không thi đậu thì không lấy vợ .

Gặp kỳ thi hạch tại tĩnh , anh em cùng đi thi . Anh lại rớt . Em đậu số một , rồi thi Hương đậu Cử nhơn thứ tư , qua năm sau đậu luôn tấn sĩ .

Trào đình bổ đi tri huyện Ðồng thành , việc cai trị giỏi dang , lần lần thăng Chưởng Ấn Ngự Sữ ở Hà Nam , giàu có ngang bậc vương hầu . Rồi viện cớ bệnh tật xin về quê quán hưu dưỡng . Quan khách đến thăm đầy ngỏ , đều từ tạ không tiếp .

Từ lúc học trò cho tới khi quý hiển , không hề nói tới sự cưới vợ , khiến ai cũng lấy làm lạ . Sau khi về hưu , dần dà có nuôi thị nữ hầu hạ . Người ta nghi chắc có sự tòn ten với mấy ả này , nhưng người chị dâu để ý dò xét , tuyệt nhiên không có sự gì ám muội .

Minh trào mất ngôi , trong nước đại loạn ,bấy giờ mới tự thú với chị dâu :

- Thú thiệt với chị , em không phải là đàn ông , mà chính là vợ của Tiểu lang đó . Vì thấy chồng học lôi thôi thi mãi chẳng đậu , em phát cáu tự làm cho biết tay . Bấy lâu giấu diếm hồi hộp , chỉ lo đở bể ra , bị nhà vua triệu vô tra hỏi thì thiên hạ cười chết .

Chị dâu không tin . Bèn tháo giày vớ đưa bàn cẳng cho xem , bấy giờ chị mới chưng hửng , nhìn trong giày thấy lót đầy bông gòn và vải . Từ đó , nàng trở lại làm đàn bà , còn chức hàm của vợ thì chàng lãnh lấy .

Hồi nào tới giờ , nàng không hề chửa đẻ , bèn ra tiền mua hầu cưới thiếp cho chồng , và nói :

- Phàm ai làm nên giàu sang cũng mua hầu có thiếp để tư phụng cho sướng thân . Riêng tôi làm quan trải mười năm , chỉ vò vỏ một mình , thế thôi . Mình phước gì mà được hưỡng hầu non gái đẹp như vầy chớ ?

Chàng cười và nói bỡn :

- Thì mình lựa chọn lấy ít cậu đẹp trai để chúng hầu hạ , như kiễu Sơn Âm công chúa , em Tống phế đế ngày xưa vậy , có sao ? Xin mình cứ việc .

Người đồn nhau câu chuyện ấy làm một trò cười .

Lúc ấy , cha mẹ chàng được ơn vua truy tặng mấy lần . Các hàng văn thân đến mừng , đều tôn chàng là quan Thị ngự , nhưng chàng hổ thẹn về sự nhận chức hàm do vợ làm nên , cho nên suốt đời cam làm anh học trò tầm thường , đi ra chưa từng dùng võng lọng bao giờ .

Liêu Trai chí dị  - Bồ Tùng Linh

Share

& Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Copyright © 2015 KHU VỰC NGƯỜI LỚN™ is a registered trademark.

Designed by Templateism. Hosted on Blogger Platform.